Chánh Trinh với báo chí thể thao miền Nam sau 1975

Sau 1975, ở miền Nam không còn, không có một tờ báo hay tạp chí thể thao nào, còn nay cả nước có trên 20 tờ báo, tạp chí thể thao. Một trong số ít người có công mở đường, gây dựng phong trào làm báo thể thao, đặc biệt ở miền Nam, sau đó…

Sau 1975, ở miền Nam không còn, không có một tờ báo hay tạp chí thể thao nào, còn nay cả nước có trên 20 tờ báo, tạp chí thể thao. Một trong số ít người có công mở đường, gây dựng phong trào làm báo thể thao, đặc biệt ở miền Nam, sau đó lan ra cả nước là nhà báo quá cố Chánh Trinh.

Nhà báo Chánh Trinh (Lý Quý Chung, 1940 – 2005) vào nghề báo thể thao từ năm 20 tuổi, ban đầu chuyên viết quần vợt nhưng sau đó anh bỏ nhiều thời gian cho hoạt động chính trường, nên chuyển qua viết nhiều về bình luận thời cuộc. Đến sau 1975, quay trở lại nghề báo chuyên nghiệp, anh mới có dịp phát huy tài năng bình luận thể thao của mình, đặc biệt nhắm đến môn thể thao “vua” – bóng đá. Chẳng những thế, trên cương vị thư ký toà soạn hoặc trưởng ban thể thao, anh còn là người tổ chức thực hiện các trang báo thể thao định kỳ cho một số tờ nhật báo nữa.

Thời sau 1975, mảng thể thao trong nước và quốc tế trên báo chí của ta hầu như rất mỏng, chủ yếu chỉ đưa tin hoạt động thể thao chứ ít khi có bình luận sâu, càng không có trang chuyên đề riêng, kể cả các dịp có giải thể thao lớn như World Cup, EURO. Bắt đầu từ khi Chánh Trinh về làm tờ Tin Sáng ở TPHCM vào giữa năm 1975, anh cho mở lại trang thể thao hàng ngày như các báo Sài Gòn trước đây với liều lượng khoảng 1 – 1,5 trang khổ A4 nằm vị trí giữa 8 trang báo. Từ đó, các thông tin về thể thao trong nước và quốc tế mới thường xuyên cập nhật, trong đó Chánh Trinh (bút danh ghép tên 2 con của anh) là cây bút bình luận chủ lực.

Tuy nguồn thông tin lúc đó rất ít (tin Thông tấn xã, báo ngoại hạn chế mà cũng hiếm hoi) nhưng nhờ vào vốn văn hoá sâu, kiến thức rộng (anh thuộc thế hệ ảnh hưởng văn hoá Pháp, đã dành cho ĐT Pháp của Platini nhiều trìu mến) song anh biết xoay xở, nhào nặn, tổng hợp (có phỏng dịch) mà phóng bút nên những bài viết hấp dẫn người đọc, nhất là trong tình hình bình luận thể thao lúc đó thuộc loại “hàng hiếm”.

Cứ thế, với phong cách làm việc như vậy, sau đó anh “truyền lửa” viết thể thao qua các tờ Tuổi Trẻ, Lao Động, Thể Thao Ngày Nay… Hầu như các nhà báo thể thao ở miền Nam sau này đều từng có thời gian làm việc chung với anh… Cuốn “Mexico 86” của anh (NXB Trẻ 1986) phát hành kịp thời ngay trước VCK World Cup này bán tới 40.000 bản, là ấn phẩm đầu tiên mở đầu phong trào làm “đặc san” thể thao thịnh hành một thời về sau.

Đến World Cup 94, anh mở mũi đột phá làm tờ Tin Nhanh Lao Động in màu đầu tiên trong cả nước. Đều đặn, trung bình mỗi ngày anh viết 3 – 4 bài nộp đúng hẹn không sai, cao điểm World Cup 2002 “cày” đến 7-8 bài/ngày – một kỷ lục!

Bình luận thể thao là một thể loại báo chí tương đối mới mẻ trước 1975, ở miền Nam thời đó chỉ có một vài cây bút có tiếng như Thiệu Võ, Huyền Vũ. Đến Chánh Trinh nó đã được nâng cấp lên trình độ chuyên nghiệp và đạt giá trị chất lượng cao hơn. Tất nhiên ở đây anh được thừa hưởng sự tiến bộ của thời đại đi sau nhưng phải nói trong đó có sự kết hợp của bản sắc riêng Chánh Trinh. Ngoài sự nhạy bén, nhạy cảm đương nhiên của một nhà báo, anh còn đưa vào bài viết của mình 3 nét chủ đạo xuyên suốt:

– Nâng tầm vấn đề thể thao: Không chỉ tường thuật, lý giải một trận đấu hay một sự kiện, một nhân vật thể thao mà qua đó Chánh Trinh còn muốn phát triển đề tài ra rộng hơn ở một mức cao hơn với mục đích nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng, tác động của nó đối với xã hội (và ngược lại).

– Lãng mạn hoá thể thao: Có thể nói Chánh Trinh là một nhà báo ảnh hưởng dòng văn học lãng mạn tiền chiến được tây hoá thêm nên cách thể hiện của anh thường bay bướm, văn hoa mà tất cả đều hướng đến nội dung cái hay cái đẹp chân thiện mỹ trong sáng (hoá thân là bóng đá đẹp và fair play như ĐT Brazil của Zico, Socrates mà anh say mê) cùng một niềm tin lạc quan vào cuộc sống, vào xu thế đi lên tất yếu của thế giới. Điều này còn góp phần đưa bài viết của anh – một số bài “xuất thần” – tiếp cận với ranh giới của văn chương.  

– Làm mới ngôn ngữ báo chí thể thao: Là một nhà báo kỳ cựu, Chánh Trinh nắm  rõ bí quyết thu hút độc giả thể hiện riêng ở đây là qua nghệ thuật vận dụng ngôn từ trong đặt tít bài lẫn hành văn không quá cao siêu mà cũng không quá bình dân, thông tục, chủ yếu nhằm gây bất ngờ thú vị cho người đọc – “giật”! – mà cách nói vẫn duyên dáng, gần gũi họ trong đó còn tiềm ẩn nét tinh tế, hóm hỉnh của một con người yêu đời, ham sống trọn vẹn. Chẳng hạn: “Quả cam Hà Lan không kịp chín”; “Argentina: Quái vật 2 đầu”; “Hugo Sanchez: Thuốc nổ T.N.T”, “Cô bé quàng khăn đỏ bị chó sói già ăn thịt” (trận Đức – Pháp ở World Cup “82)…

Có lẽ thâm tâm anh Chánh Trinh muốn không chỉ làm một nhà báo thể thao, mà anh còn mong làm được nhiều việc khác trong những lĩnh vực khác nữa, tuy nhiên cuộc đời  cho anh làm được như thế thôi.

Nhưng chừng ấy cũng là một sự nghiệp đẹp rồi – như đời anh đã làm việc hết mình, vui sống hết mình: Ngoài viết nhạy viết nhanh, luôn tìm tòi sáng tạo, rảnh rỗi còn đeo băng đội trưởng ĐT Nhà báo vào trận trên sân Thống Nhất, xách vợt dự giải QV Hội Nhà báo, vẽ và triển lãm tranh, viết hồi ký, có con trai đang nối nghiệp… – mà chỉ riêng về mặt viết báo thể thao, sau này chắc chắn lịch sử báo chí VN phải ghi nhận.

Theo Huy Vĩnh (Lao động)