BĐVN 35 năm kể từ ngày thống nhất đất nước – Bài 2: Hồi ức về trận cầu lịch sử

25.000 khán giả bật đứng dậy vỗ tay vang dội và hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng khi trọng tài Hồ Thiệu Quang dẫn hai đội Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt ra sân.

25.000 khán giả bật đứng dậy vỗ tay vang dội và hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng khi trọng tài Hồ Thiệu Quang dẫn hai đội Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt ra sân.

Đất nước sau ngày 30-4-1975, anh em cầu thủ hai miền nghe đài phát thanh biết về nhau khá nhiều mà vẫn chưa có dịp nào hội ngộ. Mãi đến hơn một năm sau, Tổng cục TDTT mới giao cho đội Tổng cục Đường sắt do HLV trưởng Trần Duy Long dẫn dắt vào Nam thực thi sứ mệnh lịch sử của bóng đá.

 

Ông Mai Đức Chung giờ là trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT hồi ấy mới 25 tuổi, kể lại: “Bọn mình đang có chuyến tập huấn một tháng ở các tỉnh Trung Quốc, nghe cấp trên giao nhiệm vụ vào Nam thi đấu giao hữu với Cảng Sài Gòn, ai cũng hạnh phúc với sứ mệnh chính trị trong trận đấu đầu tiên giữa bóng đá hai miền trên một đất nước thống nhất. Cả bọn cứ cuống quýt mong đến ngày bóng lăn”…

 

Sài Gòn với các cầu thủ miền Bắc nghe gần gũi như ruột thịt mà xa xôi quá sau bao nhiêu năm chiến tranh chia cắt hai miền. Trong miền suy tưởng của họ chỉ là những lời kể của những cán bộ tập kết ra Bắc…

 

Ảnh trái: Tam Lang (số 5) chỉ huy hàng phòng ngự trên sân Thống Nhất, bên cạnh là Lê Đình Thăng và Tấn Trung. Ảnh phải: Trung vệ Lê Khắc Chính khi đấy là cầu thủ trẻ nhất của Tổng cục Đường sắt. Ảnh: Tư liệu

Ông Lê Thụy Hải chơi tiền vệ, giờ vẫn còn nhớ như in cái không khí cuồng nhiệt và thiêng liêng ở trận đấu vô tiền khoáng hậu ấy. 19 giờ 30 bóng lăn nhưng mới 16 giờ giới hâm mộ đã đến chật kín sân. Xe chở đội Tổng cục Đường sắt không thể “bò” vào giữa đám đông ái mộ chen nhau xem mặt mũi các cầu thủ miền Bắc ra sao. Họ đành phải xuống xe đi bộ vào sân trong bối cảnh người yêu bóng đá xúm xít và xuýt xoa khen cầu thủ miền Bắc sao mà thư sinh, trắng trẻo quá. Người xem đông lắm, tràn ra cả đường piste. Bên ngoài sân vẫn còn hàng ngàn người không có vé đành túm tụm nghe tường thuật qua sóng radio.

 

“Cầu thủ hai đội vừa bước ra sân, cả bốn bề khán đài sân Thống Nhất đồng loạt đứng dậy vỗ tay vang trời. Chúng tôi nắm chặt tay nhau cất giọng hát bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Cảm giác hạnh phúc chen lẫn niềm rưng rưng xúc động khiến chúng tôi lặng đi nghẹn ngào một hồi lâu” – ông Mai Đức Chung bồi hồi nhớ lại.

 

Cảng Sài Gòn do HLV Nguyễn Thành Sự dẫn dắt chơi với đội hình 4-2-4: thủ môn Lưu Kim Hoàng; hậu vệ Tam Lang, Lê Đình Thăng, Vinh Quang, Tấn Trung; tiền vệ Mười “xìu”, Dương Văn Thà; tiền đạo Nguyễn Văn Ngọc, Trần Văn Xinh, Tư Lê, Nguyễn Văn Ngôn. Đội Tổng cục Đường sắt ra quân bằng đội hình 4-3-3: thủ môn Trường Sinh; hậu vệ Từ Như Quang, Thế Vinh, Phương “tròn”, Lê Khắc Chính; tiền vệ Lê Thụy Hải, Phạm Kỳ Thụy, Ngô Thế Thành; tiền đạo Mai Đức Chung, Minh Điểm, Hoàng Gia.

 

Phút 28, Lê Thụy Hải có một đường chuyền sắc sảo cho Mai Đức Chung bật cao đánh đầu ghi bàn. Bàn thắng để đời thứ hai ở phút 54 của tác giả Lê Thụy Hải là một cú sút sấm sét từ gần giữa sân. Ông Hải hóm hỉnh nhớ lại: “Tôi có bóng từ giữa sân, vừa quay lại đã thấy trung vệ Tam Lang sừng sững nhào lên. Tôi hơi ngập ngừng rồi co chân sút thật mạnh từ khoảng cách 40 m, bóng vẽ một đường cong rồi chui vào góc cao cầu môn, khi ấy thủ môn Lưu Kim Hoàng đã xuất tướng”.

 

Ông Mai Đức Chung hào hứng tiếp lời bạn: “Cảng Sài Gòn hồi ấy chơi bóng ngắn, kỹ thuật nhẹ nhàng và rất hào hoa. Tổng cục Đường sắt ảnh hưởng lối chơi của các đội bóng Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ), chủ yếu đá bóng dài và nhanh trên một nền thể lực dồi dào. Sau trận đấu, khán giả vẫn còn nán lại rất lâu để chúc mừng các cầu thủ miền Bắc. Dưới sân, chúng tôi siết chặt tay nhau hẹn gặp lại mà có người mắt cứ ngấn lệ”…

 

Ba năm sau, bóng đá Việt Nam khai sinh giải vô địch quốc gia và những cầu thủ Tổng cục Đường sắt là nhân chứng sống trong trận cầu lịch sử đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất đã lên ngôi vô địch.

 

Những cầu thủ ưu tú ngày ấy người mất người còn nhưng tất cả mãi không quên khí thế hào hùng của ngày Chủ nhật đỏ. Ngày 7-11-1976 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Sài Gòn phục sinh…

 

Trước trận cầu Cảng Sài Gòn – Tổng cục Đường sắt, ngày 2-9-1975, ngày Quốc khánh đầu tiên ở cả hai bờ sông Bến Hải, khán giả Sài Gòn đã được chứng kiến trận đầu tiên sau ngày thống nhất khi sân Cộng Hòa (sau là sân Thống Nhất) còn ngổn ngang dấu vết sau chiến tranh. Trận đấu giữa Hải quan và Ngân hàng diễn ra với sự có mặt của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ, nguyên vẹn đội tuyển bóng đá miền Nam Việt Nam cũ, trong đó không ít người từng khoác áo lính, áo cảnh sát chế độ cũ.

Trong khi người hâm mộ háo hức chờ đợi trận cầu ấy thì các đài nước ngoài lại chăm chăm với những lời lẽ xuyên tạc, kích động rằng sẽ không có bóng đá mà là một cuộc “tắm máu”…

Không ít người lặng đi và lấy tay quệt vội nước mắt khi Ngôn chích nhẹ mũi giày vào bóng sau tiếng còi khai cuộc… Trận đấu kết thúc với tỉ số 3-1 nghiêng về Hải quan nhưng trên sân tất cả đều là những người chiến thắng.

Sau này Tam Lang đi Đức học HLV, rồi được kết nạp Đảng; Lê Văn Tâm có con trai là Lê Huỳnh Đức nối nghiệp bố; Đỗ Văn Khá tự hào nhìn con gái rượu Đỗ Mỹ Oanh đeo băng đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam; Đỗ Cẩu hạnh phúc với con trai là Đỗ Khải – trung vệ thép của thế hệ vàng Việt Nam…

Bóng đá Sài Gòn đã sống lại từ một trận cầu lịch sử như thế.

 

Nguồn: Theo Pháp luật TPHCM