5 lý do để Kaka có thể bỏ Milan đến Man City

Gần sáu năm chung tình, Kaka đoạt gần như mọi vinh quang cùng Milan. Nhưng có quá nhiều yếu tố cho thấy quá khứ chưa chắc đã đảm bảo cho một cuộc hôn nhân bền lâu giữa anh với đội bóng áo sọc đỏ đen.

Gần sáu năm chung tình, Kaka đoạt gần như mọi vinh quang cùng Milan. Nhưng có quá nhiều yếu tố cho thấy quá khứ chưa chắc đã đảm bảo cho một cuộc hôn nhân bền lâu giữa anh với đội bóng áo sọc đỏ đen.

Không còn là số một ở San Siro. Lúc mới sang Italy hè 2003, Kaka chỉ là một tài năng trẻ được Milan đem về làm dự bị cho Rui Costa. Nhưng quãng thời gian sau đó đã chứng kiến sự tiến bộ với tốc độ tên lửa của cựu cầu thủ Sao Paulo. Anh lấy chỗ của Rui Costa, trở thành trụ cột trong chiến dịch chinh phục scudetto mùa 2003-2004 và vào chung kết Champions League mùa kế tiếp. Khi Sheva dứt áo sang Chelsea hè 2006, Kaka ngay lập tức chói sáng, đóng vai trò quyết định giúp Milan thoát khỏi vũng lầy Calciopoli, tiến một lèo vào top 4 Serie A rồi vô địch Champions League và mặc nhiên được xem như biểu tượng chiến thắng cở sân San Siro. Bất chấp chấn thương hành hạ, Kaka vẫn là ngôi sao số một của Milan mùa giải vừa qua.

Đã quen với vị thế một ông hoàng, nên Kaka không khỏi cảm thấy thiếu thoải mái vì vai trò của anh ngày một mờ nhạt. Ảnh: AK.


Nhưng sang mùa này, khi Milan đeo đuổi chính sách “Dải ngân hà”, tuyển về một loạt ngôi sao mà đình đám nhất là Ronaldinho, vị thế ấy của Kaka không còn nữa. Nói đến Milan mùa này, truyền thông hầu như chỉ nhắc đến cái tên Ronaldinho, tân binh đã gây nên một cơn sốt chưa từng thấy trong lịch sử Serie A khi ra mắt tại San Siro hè vừa qua và ghi một loạt bàn thắng quan trọng trong nửa đầu mùa giải. Gần đây, hình ảnh Kaka tại Milan lại càng lu mờ hơn hết bở sự hiên diện của “hot-boy” Beckham. Đã quen được chú ý, lăng xê và tung hô một thời gian dài, việc bị hai người mới đến đẩy vào bóng tối quả thực không phải là điều dễ chịu với Kaka. Rõ ràng, anh đang sống những ngày kém hạnh phúc nhất kể từ khi đến Milan.

Bị gò bó trong những vấn đề chiến thuật. Khi Sheva bỏ sang Chelsea, Kaka được Ancelotti đẩy lên chơi như một “số 9 rưỡi” hay nói cách khách là một tiền đạo ẩn, bên cạnh người chơi cao nhất (thường là Inzaghi ở mặt trận Champions League, Ronaldo và Gilardino ở Serie A). Trong vai trò mới, Kaka được giải thoát khỏi sự bó buộc của một hộ công, để tự do di chuyển, thỏa sức phô diễn khả năng sáng tạo cũng như tài săn bàn chưa hề được biết đến truớc đó. Đây được xem là một khám phá vĩ đại, bởi nó góp phần quyết định giúp Milan chinh phục đỉnh vinh quang ở Champions League 2006-2007, bằng 10 bàn thắng và cảm hứng bất tận từ Kaka.

Khi Ronaldinho xuất hiện mùa này, Kaka không còn được chơi tự do như trước, thay vào đó, phải nhường cánh trái, nơi được xem là sở trường của ông bạn đồng hương mới đến và xứng đáng trở thành thủ lĩnh ở cánh này với cái chân trái đầy ma thuật. Chủ nhân Quả bóng vàng 2007, vì thế, chỉ có thể chơi ở trung lộ hoặc quán xuyến cánh phải. Theo cách bố trí này, cả hai đã có một trận đấu xuất thần, người tung kẻ hứng, giúp Milan đánh bại Inter trong trận derby. Nhưng vấn đề dần bộc lộc, khi Ronaldinho chói sáng, trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo của Milan, còn Kaka thì đá trận hay trận dở vì chấn thương và có thể, cả những vấn đề về tâm lý.

Đứng cạnh Ronaldinho, Kaka mờ nhạt hơn hẳn so với chính anh trước kia. Ảnh: AFP.


“Có một số vấn đề về chiến thuật đã thay đổi từ khi Ronaldinho đến Milan. Trước kia, tôi và Seedorf thường chơi phía dưới một tiền đạo và chúng tôi hiểu nhau trong từng bước chạy. Tôi thường chơi dạt cánh trái nhiều hơn, nhưng bây giờ Ronaldinho đã ở đó, khiến khả năng của tôi bị hạn chế đôi chút”,
phát biểu mà Kaka đưa ra trước trận Milan – Catania đã nói lên tất cả sự ức chế của một trụ cột đã sa sút, phải san sẻ lãnh địa và bị che mờ bởi một kẻ mới đến.

Mức lương trong mơ nếu gật đầu với ManCity. Thực tế cho thấy gần 6 năm ở San Siro, tài khoản của Kaka và gia đình luôn tràn ngập tiền. Bố anh Bosco Leite, một kỹ sư chuyển nghề làm đại diện và trưởng nhóm cố vấn các vấn đề liên quan đến quyền lợi của con trai, có thừa sự khôn ngoan, lọc lõi để tranh thủ những cuộc tấn công từ Real rồi Chelsea để buộc Milan chốc chốc lại trả thêm tiền cho Kaka. Năm 2003, khi chân ướt chân ráo đến từ Sao Paulo, anh chỉ nhận 1,5 triệu euro tiền lương mỗi năm. Ba năm sau, khi Sheva ra đi, Kaka được thừa hưởng mức lương cao nhất tại San Siro – 5,2 triệu euro. Sau chức vô địch Champions League tại Athens, con số này tăng thành 9 triệu euro và từ giờ năm 2013, cứ nỗi năm lại tăng thêm 1 triệu euro.

Mức đãi ngộ của Milan dành cho Kaka không hề thấp, nếu không muốn nói là quá cao so với mặt bằng lương bổng ở Serie A. Nhưng chắc chắn những gì anh đang nhận chỉ là muối bỏ bể so với con số mà Man City đang chìa ra trước mặt – 500.000 bảng mỗi tuần và đã trừ thuế, tương tương với 15 triệu euro mỗi năm. Để làm một phép so sánh, Robinho, cầu thủ đang giữ kỷ lục về tiền lương hiện nay, cũng chỉ được ManCity trả 160.000 mỗi tuần. Trong khi đó, những siêu sao được ăn lương tuần cao khác ở Anh như Lampard (150.000), Terry (135.000), Ballack (120.000) hay Ronaldo – Rio Ferdinand – Rooney (đồng 120.000) còn xa mới mơ đến ngày họ được trả hậu như con số mà Man City đề nghị với Kaka.

Milan không muốn giữ chân. Cũng là chuyện tiền bạc, nếu Kaka không cưỡng được sức hấp dẫn từ mức lương tuần 500.000 nghìn bảng thì Milan có lẽ cũng chẳng thể không xao xuyến trước lời đề nghị mua tiền vệ người Brazil kèm theo tấm séc trị giá 120 triệu bảng (150 triệu euro) mà Man City vừa đề nghị. Năm 2001, với khoản tiền 47 triệu bảng thu về từ việc bán Zidane cho Real Madrid, Juventus đã tuyển về Buffon, Nedved, Thuram – bộ tam được cho là tiền đề cho cho những scudetto về sau. Hai người đầu tiên trong đó đến giờ vẫn là trụ cột, sự đảm bảo vững chắc cho thành công trên sân cỏ của “Lão bà”.

Chỉ mất 14 triệu bảng để tậu Kaka từ Sao Paulo cách đây gần 6 năm, Berlusconi và Milan sẽ thu lại một khoản lãi khổng lồ nếu chấp nhận bán ngôi sao này cho Man City. Ảnh: AFP.


Những gì diễn ra với Juventus thuở trước là một tấm gương mà Milan và ông chủ Berlusconi của họ không thể không nhìn vào khi họ đang phân vân trước lời đề nghị hàng khủng từ ManCity. Với 150 triệu euro thu về từ việc bán Kaka, Milan không chỉ có thêm ngân lượng để bơm vào đội bóng, mà còn thừa sức chuộc “Zidane mới” Gourcuff về từ Rennes để thay thế chính tiền vệ người Brazil, thuyết phục Beckham gắn bó lâu dài chứ không phải làm thời vụ 2 tháng như hợp đồng hiện nay. Với ngần ấy tiền, Berlusconi cũng có thể tăng lương cho Ronaldinho, cầu thủ được xem như hiện thân thứ thiệt cho thứ bóng đá gợi cảm (sexy football) mà ông hằng mơ ước được chiêm ngưỡng mỗi dịp cuối tuần.

Berlusconi chỉ dám “hy vọng Kaka sẽ ở lại” thay vì khẳng định chắc nịch “cậu ấy sẽ không đi đâu cả” sau khi chính tiền vệ người Brazil thừa nhận chuyện đi hay ở của anh là hoàn toàn do đội bóng quyết định. Nội việc đó thôi đã nói lên rất nhiều điều về sự rung rinh của các vị lãnh đạo chóp bu Milan trong ý chí giữ chân cầu thủ từng là biểu tượng chiến thắng của đội bóng. Tệ hơn, trong động thái mới nhất, Milan thậm chí còn cho phép Kaka tự do tiếp xúc với ManCity.

Đã đến lúc tìm kiếm thách thức ở một chân trời mới. Với Milan, Kaka có scudetto, có chức vô địch Champions League, FIFA Club World Cup, Quả bóng vàng, Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA, có tiền bạc. Trước đó, anh cũng là thành viên tuyển Brazil vô địch World Cup 2002. Thừa vinh quang, nên khi được hỏi về điểm đến tương lai, Kaka từng nói rằng một khi chia tay Milan, anh chỉ đến với một đội bóng lớn hơn để nuôi tham vọng chinh phục những thách thức lớn lơn. Về lý thuyết, Man City, đang xếp thứ 6 từ dưới lên ở giải Ngoại hạng và nhiều khả năng sẽ không thể đoạt vé dự Cup châu Âu mùa sau, có lẽ không phải là điểm đến lý tưởng cho Kaka.

Không phải là tên tuổi lớn, nhưng chí ít, Man City, đội đang muốn và có thừa tiền để cụ thể hóa giấc mộng bay cao vươn xa, cũng tìm được điểm chung với Kaka, đó là tham vọng. Ảnh: Getty Images.


Nhưng đó là chuyện của hiện tại, còn ở thì tương lai, thì chưa chắc. ManCity, với sức mạnh kim tiền của những ông chủ Ảrập giàu có nhờ dầu mỏ, đang nuôi tham vọng lớn, bành trướng và trở thành thế lực số một không chỉ trong làng bóng đá Anh. Việc họ cướp Robinho ngay trước mũi Chelsea trong phiên chợ cuối mùa hè chính là phát súng lệnh cho kế hoạch bành trướng đầy tham vọng ấy. Tham vọng ấy cũng là điểm chung giữa ManCity và Kaka.

Với tiếng tăm nổi như cồn trên toàn cầu, nếu Kaka chuyển hộ khẩu đến City of Manchester, chẳng có gì đảm bảo những ngôi sao khác như Messi, Cristiano Ronaldo, Torres, Xavi, Terry, Rio Ferdinand, Buffon sẽ không làm điều tương tự một khi được Man City chìa ra những khoản tiền kếch xù trước mặt. Mà như vậy, khi ManCity đã thâu tóm những tài năng xuất chúng, vinh quang có lẽ cũng chẳng ngoảnh mặt với họ. Chelsea của Abramovich cũng đi lên với phương pháp tương tự. Và khi đó, Kaka có lẽ sẽ chẳng có gì phải ân hận vì đã dứt tình với Milan.


Nguồn: VNE